Iran là nước đứng đầu thế giới về sửa mũi, với hơn 200.000 người thực hiện loại phẫu thuật này mỗi năm, báo Anh Daily Mail dẫn tin tức từ báo Iran Etemad ngày 4/3.
Bất chấp chi phí đắt đỏ của phẫu thuật thẩm mỹ, vốn có thể cao 5 – 6 lần so với lương tháng bình quân, Iran có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ tương đương Brazil, nơi phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến đến mức các bác sĩ còn giảm giá cho người có thu nhập thấp.
Tờ Etemad dẫn lời một phụ nữ cho biết cô này đã nhận được một khoản vay ngân hàng để mua xe, nhưng cô đã bán xe để thanh toán chi phí phẫu thuật thẩm mỹ, vốn nằm trong kế hoạch của cô ngay từ đầu.

Phụ nữ Iran trong trang phục hijab
Rõ ràng một phần trong nỗ lực tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ là nhằm phản ứng lại với những hạn chế của truyền thống mặc trang phục hijab trùm kín người ở nước Cộng hòa Hồi giáo.
“Tính chất của con người là muốn thu hút sự chú ý vào một vóc dáng, làn da và mái tóc đẹp, nhưng hijab không cho bạn làm điều đó. Vì thế chúng tôi phải thỏa mãn bản năng đó bằng cách phô bày “nghệ thuật” của chúng tôi trên mặt”, một phụ nữ cho biết.
Ngay cả đàn ông cũng đang “chạy đua” phẫu thuật thẩm mỹ. Một người đàn ông làm việc trong ngành mỹ phẩm nói rằng việc sửa mũi đã giúp anh thu hút nhiều khách hàng hơn. “Tất cả họ đến chỗ tôi khi muốn mua hàng mỹ phẩm, vì thế tôi phải trông đẹp và bảnh trước họ”, anh nói.
Số ca sửa mũi bình quân đầu người ở Iran cao hơn 7 lần so với ở Mỹ, và người Iran bắt đầu tiến hành những loại phẫu thuật khác như thu nhỏ thành bụng và căng da mặt.
Theo một cuộc nghiên cứu, chỉ có 157 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở thủ đô Tehran, nhưng có đến 7.000 người tiến hành phẫu thuật.
Trong khi đó, hijab là trang phục của hầu hết các quốc gia Ả Rập, là trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo nói chung và phụ nữ Ả Rập ngoan đạo nói riêng. Trang phục này đảm bảo giấu kín hoàn toàn mọi biểu hiện nữ tính của người mặc.
Đầu trùm khăn không được để lộ một chút tóc nào. Mặt được che bằng vải, chỉ còn chừa đôi mắt; hoàn toàn khác với mạng che mặt cho thêm phần huyền bí của phụ nữ châu Âu. Từ cổ trở xuống sát đất là phần váy áo trùm kín, chỉ để lộ hai bàn tay. Trọn bộ trang phục này đồng màu, thường là đen hoặc các màu tối, hoàn toàn không bắt mắt.
Người phụ nữ Hồi giáo ngoan đạo bắt buộc mặc trang phục này từ tuổi dậy thì, thường từ 9-10 tuổi trở lên. Hijab được phụ nữ mặc trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi ra khỏi nhà hoặc khi đối diện với đàn ông không phải là chồng mình.
Trong thế giới Ả Rập, Hijab còn tồn tại như một nghi thức nghiêm ngặt đối với phụ nữ các quốc gia vùng Vịnh. Các quốc gia Ả Rập khác (như Libăng, Syria, Ai Cập, Iraq, Algeria, Tunisia…) phụ nữ tại nhiều đô thị lớn đã dùng trang phục kiểu châu Âu. Nhưng nói chung, đại đa số phụ nữ Ả Rập Hồi giáo vẫn là những tín đồ nghiêm túc của Hijab.
Chi Mai (Tổng hợp)